Chuyện dưới lòng cống sâu

24/04/2015

Theo chân các công nhân thoát nước, chúng tôi mới thấu hiểu những vất vả, cực nhọc của những người làm nghề nạo vét cống…

Bật nắp hố ga cũng cần kinh nghiệm để không bị “sốc mùi”.

Nghề nhọc nhằnHơn 7 giờ sáng. Đường Trần Hưng Đạo, TP. Nha Trang bắt đầu đông đúc phương tiện ngược xuôi. 6 công nhân Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Khánh Hòa bắt đầu nạo vét bùn rác trong hố ga, cống ngầm. Không khí trong lành bỗng thay đổi hẳn khi nắp cống bật lên. Mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào mũi người đứng trên miệng hố. Vừa kéo chúng tôi lùi lại, anh Nguyễn Chánh (43 tuổi) vừa truyền kinh nghiệm: “Lúc mới bật nắp hố, mùi hôi thối và khí độc rất mạnh nên phải né, chờ khoảng 15 phút. Gần 20 năm trước, khi mới vào nghề, tôi cũng nhảy xuống ngay khi vừa mở nắp hố ga, thế là ngất xỉu do hít phải khí độc, may mà anh em đưa lên kịp thời”.

Ngâm người trong nước thải là chuyện thường ngày của công nhân nạo vét cống ngầm.

Nhìn anh Chánh bước từng bậc thang xuống đáy hố ga sâu hơn 3m và nhúng ngập chân xuống mặt nước thải đen ngòm, váng dầu mỡ nhoang nhoáng, chúng tôi thoáng rùng mình. Dù biết anh mặc quần ủng không thấm nước, cảm giác rờn rợn vẫn đeo bám chúng tôi. Nước cống bị khoắng, mùi xộc lên mạnh hơn, chuột, rết, gián chạy loạn xạ. Nhưng đã quen việc, anh Chánh vẫn bình tĩnh đứng ở lòng cống, nhoài người đánh, xúc từng xẻng bùn đen lẫn rác rưởi, đá, lá cây mục đổ vào xô chuyền cho người đứng trên để đổ vào xe cút kít chuyển đến nơi tập kết, chờ xe bồn chở đi. Nắng dần chói chang, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, nhưng những công nhân vẫn hì hục đào, múc, kéo… Gần 1 giờ sau, anh Chánh leo từ dưới hố lên, mặt mũi lấm lem, quần áo đẫm mồ hôi. Ngồi nghỉ dưới bóng cây, anh đùa: “Cả ngày hì hục dưới “ruột phố”, tối lặn mặt trời mới về nên anh em bảo nghề này là “ngày làm dưới âm phủ, tối ngủ trên trần gian!”.Gật đầu đồng tình, chị Đinh Thị Phương Loan (48 tuổi) cho biết, sau 20 năm theo nghề, chị thành thạo hệ thống cống trên địa bàn. Theo chị, cống ở đường Ngô Quyền sâu nhất, tới 5m; cống trên đường Tô Hiệu thường nóng và rất hôi do có nhiều đường thoát từ các nhà máy xả ra; cống ở đường 2-4 sình nhiều… “Ai không chịu được vất vả, kiên trì, yêu nghề thì khó trụ lắm”, chị nói.

Buồn vui chuyện nghề

Trong căn nhà nhỏ, bà Phan Thị Tường (58 tuổi, nghỉ hưu năm 2013) tâm sự, bà theo nghề từ năm 1978. Hồi đó chủ yếu dùng sức người; chuyện ăn cơm “bụi” là bình thường. Mỗi khi theo công trình ở xa, công nhân phải mang theo từng chai nước, hộp cơm để tiết kiệm chi tiêu. Bà Tường nhớ như in hồi nạo vét ở khu vực gần biển, đường kính ống cống tới 2m, lượng bùn đất nhiều. Hàng chục công nhân bì bõm lội trong lòng cống tối đen, phải ngồi sụp xuống mà cào, nạo lớp bùn dẻo quánh. Có đoạn nước ngập cao, anh em phải đứng lom khom nạo vét, rất mỏi lưng, nên chỉ làm được nửa giờ là phải chui lên nghỉ. Cứ vậy, cả chục con người lui cui trong đường cống hàng tháng trời mới xong. Có công nhân chưa quen việc, mới ngửi mùi cống đã nôn thốc nôn tháo, trưa ăn cơm không nổi. Chuyện đường ống nghẽn, phải lội xuống dùng xẻng cạy từng tí một rồi đổ vào bao bố, dùng cuốc kéo lên là bình thường. Có lần, công nhân đang hì hục đào móc dưới hố ga, nghe tiếng ùng ục từ ống cống nhánh, vội né người sang bên thì đã thấy tuôn tháo ra toàn thứ xú uế. Thì ra có nhà dân đấu nối trực tiếp đường thoát bồn cầu xả thẳng xuống cống!

Phút nghỉ tay…

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (42 tuổi) lại nhớ trận mưa cách đây 4 – 5 năm, cả khu vực cuối đường Hùng Vương ngập nặng. Đang lúc mưa to, hơn chục anh em phải lao tới hiện trường, lội bì bõm trong nước ngập tới ngang ngực để đến từng miệng hố ga vớt rác, khơi thông dòng chảy. Anh Nguyễn Minh Tuấn cho hay, làm nghề này, sợ nhất vét hố ga gần mấy quán kinh doanh lẩu bò. Mỡ bò đổ xuống cống cô đặc thành tảng, phải dùng xà beng chọc rất cực. Hay có lần, một đơn vị vệ sinh công trình vừa nghiệm thu, nước rửa xi măng trôi xuống cống, đóng cứng một khối, anh em phải dùng máy thổi và khoan không khác gì thợ khoan cắt bê tông. Ngồi bên, một công nhân già hóm hỉnh: “Hồi mới vào nghề, xuống cống mò được trái dừa, sờ thấy nhẵn nhụi, nghe anh em dọa là hộp sọ, mấy thanh niên trẻ sợ quá, tranh nhau trèo lên. Sau thấy đội thợ già cười, mới biết bị lừa!”.

Chị Lê Phương Nhã (52 tuổi) rủ rỉ: Công việc vất vả nhưng cũng xứng với thu nhập được trả. Chỉ buồn là có người không hiểu, còn buông lời xúc phạm. Có lần, mấy công nhân vừa lật nắp hố ga gần một tiệm bán đồ ăn thì bị người chủ chạy ra mắng té tát. Họ quát tháo sao vét bùn cống, rác rưởi đổ lên mặt đường, hôi thối ai chịu nổi! Mấy công nhân đành nín lặng, không dám giải thích quy trình nạo vét phải vậy mới tránh được nước cống chảy khắp thành phố khi vận chuyển. Sau khi chuyển bùn rác đi, công nhân mới dùng nước rửa sạch lòng lề đường.

Chị Bùi Thị Kim Liên (46 tuổi) đùa: “Có lẽ do làm nghề này mà hơn 40 tuổi, tôi vẫn chưa tìm được mái ấm cho mình. Ngâm mình gần… 20 năm trời trong bùn đất, ai dám yêu! Mấy anh em đây cũng đều lấy vợ trước khi vào nghề cho khỏi… ế!”.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên (46 tuổi) bảo, cũng có những người tốt bụng, trân trọng công việc này. Có lần làm xong, rửa sơ tay, khát quá, mấy công nhân giữ ý đứng ngoài hỏi xin miếng nước, gia chủ lại ân cần mời vào nhà bật quạt, chiêu đãi bình trà đá, nước mát mà lòng còn mát hơn. “Họ làm chúng tôi cảm thấy mình có ích cho đời”, ánh mắt chị Liên lấp lánh.

Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Công ty không chỉ bảo đảm việc làm, thu nhập mà còn thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách dành cho lao động nặng nhọc, độc hại. Việc làm của công nhân Công ty thầm lặng nhưng rất ý nghĩa. Họ góp phần không nhỏ làm thành phố biển sạch, đẹp, thông thoáng hơn.

“Với anh em làm nghề này, cơ cực, nguy hiểm thì nhiều nhưng mọi người thường bảo nhau, ngoài mưu sinh, mình còn phải vì một thành phố sạch đẹp hơn”, chị Bùi Thị Kim Liên chia sẻ.

“Công việc vất vả, nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì việc nặng nhọc ai làm…”. Câu nói của anh Chánh bị cắt ngang bởi câu hát tếu của một công nhân vọng lên từ miệng hố ga: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ… cứ để dành tôi!”. Tất cả công nhân bật cười vui vẻ trong nắng trưa.

Chúng tôi hiểu, những người công nhân này không chỉ mong mỏi được mọi người thông cảm với nghề nghiệp, mà còn mong người dân hãy chung tay bảo vệ môi trường. Chị Nhã cười buồn: “Làm nghề này mới thấy còn nhiều người sống cẩu thả với môi trường quá, quăng bừa bãi mọi thứ vào cống. Nhà nào sống có ý thức, chỉ cần lật nắp cống trước nhà là biết ngay. Nếu thành phố có nhiều hộ dân như vậy thì công việc của chúng tôi nhàn bao nhiêu, thành phố cũng sạch hơn biết bao”.

Ông Phạm Cao Minh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa: Công ty Cấp thoát nước Khánh Hòa được chuyển giao quản lý hệ thống thoát nước với khoảng 50km cống trên địa bàn TP. Nha Trang từ năm 2005. Công ty có khoảng 60 công nhân, chia làm 2 đội: cấp và thoát nước, tráo đổi, đan xen công việc liên tục. Công nhân làm theo lương khoán, trung bình 8 – 10 triệu đồng/người/tháng, gồm cả tiền ăn ca, phụ cấp độc hại; ngoài ra còn được trang bị quần áo bảo hộ lao động 3 bộ/2 năm, mặt nạ phòng độc, quần ủng, mũ, găng tay nhựa. Cách đây 3 tháng, Công ty trang bị cho 4 tổ 4 máy đo khí độc trị giá 30 triệu đồng/máy. Lao động nữ được bố trí làm việc trên mặt đất, lao động nam gánh phần việc nặng hơn dưới cống ngầm.

THIỀU HOA – VĂN GIANG (Nguồn: Báo Khánh Hòa điện tử)